Thông thủy là gì? Những điều nên biết về thông thủy
Xây nhà, làm đẹp thêm cho không gian sống là việc quan trọng của đời người. Bất kỳ không gian nào cũng cần được tính toán đo đạc để giúp phù hợp với nhu cầu sống. Trong quá trình thiết kế thi công người ta thường nhắc đến thông thủy. Tuy nhiên, không quá nhiều người biết đến yếu tố này. Vậy thông thủy là gì? Kích thước thông thủy ra sao cho hợp lý? Có những lưu ý đối với thông thủy. Tất cả những thông tin đó sẽ được chúng tôi giải đáp qua bài viết dưới đây!
1. Khái niệm thông thủy là gì?
Theo Wikipedia, thông thủy trong ngành xây dựng, được xác định là khoảng cách giữa hai cạnh đối diện của kết cấu công trình.
Ví dụ: Đối với nhà ở, chiều cao thông thủy của phòng là kích thước từ mặt sàn lên đến mặt dưới của kết cấu chịu lực (là dầm nếu nhìn thấy) hoặc của trần (nếu không nhìn thấy dầm). Chiều rộng thông thủy của phòng là khoảng cách giữa hai mép tường đối diện, hoặc là khoảng cách giữa hai mép cột(nếu có cột).
Lưu ý: Khi đó, kích thước thông thủy tính từ bề ngoài lớp trát, nhưng không xét đến bề dày của lớp vật liệu ốp.
Khi biết được kích thước của thông thủy bạn có thể tính được diện tích thông thủy hay còn gọi là diện tích sử dụng ngôi nhà. Nó sẽ bao gồm cả phần diện tích tường ngăn các phòng bên trong của ngôi nhà và diện tích ban công, logia gắn với ngôi nhà đó.
Lưu ý: Diện tích cũng sẽ không tính tường bao quanh ngôi nhà, tường phân chia các căn hộ diện tích sàn có cột và hộp kỹ thuật nằm bên trong căn hộ.
DT thông thủy = (DT tường ngăn phòng + DT ban công, logia + DT ở) – (DT tường bao quanh + tường phân chia nhà + DT sàn có cột + hộp kỹ thuật)
2. Phân biệt diện tích thông thủy và diện tích tim tường
Bạn cũng cần phân biệt diện tích thông thủy và diện tích tim tường để có cách xác định đúng nhất.
Diện tích tim tường sẽ được hiểu là diện tích sàn xây dựng căn hộ, là tổng hợp của tất cả phần diện tích từ tim tường, tường bao quanh, diện tích sàn có cột, các hộp kỹ thuật trong nhà. Nó chính là phần bị trừ đi khi tính toán diện tích thông thủy.
Có thể nhiều người sẽ cho rằng, nếu như đo theo thông thủy thì sẽ có lợi hơn cho người mua nhà. Tuy nhiên, nếu xét theo khả năng thực thi quyền sở hữu thì đo theo tim tường là lựa chọn thông minh hơn. Bởi hiện nay, các thiết kế nội thất đang dần được hiện đại hóa, tối ưu hóa với kiểu nội thất âm tường được ưu tiên sử dụng ngày càng nhiều. Điều này sẽ giúp gia chủ không chỉ tận dụng được tối đa không gian trong nhà mà còn tạo được cảm giác rộng rãi, thoáng đãng cho không gian nhà ở của chính mình.
DT tim tường = DT tường bao quanh + tường phân chia nhà + DT sàn có cột + hộp kỹ thuật
Vậy nên tính kích thước theo diện tích thông thủy hay diện tích tim tường? Thực chất, mỗi loại diện tích đều có những ưu nhược điểm khác nhau.
- Đo theo tim tường, diện tích có vẻ sẽ nhiều hơn những giá cho từng mét vuông sẽ ít hơn.
- Đo theo thông thủy, mét vuông ít hơn nhưng báo giá lại cao hơn.
Nếu bạn mua căn hộ có diện tích tim tường lớn thì có thể tận dụng được nhiều diện tích hơn để thiết kế, trang trí nội thất. Tuy vậy, bạn sẽ phải chịu thêm phí dịch vụ trên tổng diện tích căn hộ đó. Cần quan tâm tới nhu cầu sử dụng căn hộ để có những quyết định lựa chọn hợp lý nhất, có lợi cho việc mua nhà.
3. Mục đích của việc xác định thông thủy
Mục đích chủ yếu của việc xác định thông thủy là để xác định diện tích sử dụng thực tế của gia chủ so với diện tích mà người đó phải bỏ tiền ra để trả. Chính bởi thế mà diện tích thông thủy càng gần sát với diện tích bao ngoài thì sẽ càng tốt. Tuy nhiên, nó còn phụ thuộc vào các yếu tố như kiến trúc, kết cấu để có thể mở rộng đến mức lớn nhất ngôi nhà/căn hộ.
Khi đi mua nhà, trên giấy tờ hợp đồng thường sẽ có 2 loại diện tích này nên bạn cần đặc biệt lưu ý để tránh bị thiệt hại. Các kiến trúc sư cũng cần lưu ý, mục đích của họ là phải thiết kế kiến trúc và kết cấu sao cho diện tích thông thủy là lớn nhất và thông suốt để có thể phù hợp với công năng của công trình.
Theo thông tư số 03/2014/TT-BXD của bộ Xây dựng quy định về diện tích thông thủy:
Diện tích sử dụng căn hộ được tính theo kích thước thông thủy như ví dụ theo hình vẽ dưới đây và được ghi vào Giấy chứng nhận cấp cho người mua, bao gồm cả phần diện tích tường ngăn các phòng bên trong căn hộ và diện tích ban công, lô gia (nếu có) gắn liền với căn hộ đó, không tính tường bao ngôi nhà, tường phân chia các căn hộ, diện tích sàn có cột, hộp kỹ thuật nằm bên trong căn hộ.
Khi tính diện tích ban công thì tính toàn bộ diện tích sàn, trường hợp ban công có phần diện tích tường chung thì tính từ mép trong của tường chung. Khi bàn giao căn hộ, các bên phải ghi rõ trong biên bản bàn giao căn hộ hoặc trong phụ lục hợp đồng diện tích sử dụng căn hộ thực tế bàn giao và diện tích ghi trong hợp đồng mua bán căn hộ đã ký; biên bản bàn giao căn hộ hoặc phụ lục hợp đồng được coi là một bộ phận không thể tách rời của hợp đồng mua bán căn hộ.
4. Kích thước và chiều cao thông thủy của căn hộ chung cư đúng chuẩn
Theo quy định mới nhất tại Thông tư 20/2016 hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 100/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội Một căn hộ chung cư phải có diện tích sử dụng tối thiểu là 25 m2. Và chiều cao của căn hộ chung cư theo đúng quy chuẩn của Bộ xây dựng là:
+ Đối với trần bê tông: Trung bình từ 3m - 3.6m.
+ Đối với trần có dầm bê tông: Chiều cao thấp hơn. Bởi dầm được hạ xuống ngang phòng, ở vị trí những góc giao giữa tường và trần.
Đồng thời, thông tư còn đề cập đến vấn đề cá nhân đầu tư, hộ gia đình xây dựng nhà đất để cho thuê hay bán cũng cần phải được đảm bảo chiều rộng thông thủy không dưới 2.4 m, diện tích tối thiểu là 10 m², tường ngăn cách giữa những phòng phải được làm bằng vật liệu phòng cháy và chống thấm.
5. Cách đo thông thủy các loại cửa ra vào
Như trong các bài viết trước chúng tôi đã giới thiệu đến bạn về kích thước cửa chính, cửa gỗ, cửa công nghiệp, cửa trượt tầm quan trọng cả kích thước cửa là không thể chối bỏ. Không chỉ ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ của cả không gian mà nó còn ảnh hưởng đến cả tính phong thủy, tiền tài, sức khỏe, công danh, sự nghiệp của gia chủ.
Bảng thông tin dưới đây là kích thước thông thủy cửa mà bạn nên tham khảo:
6. Đo kích thước thông thủy khi mua nhà
Thông thường diện tích thông thủy và diện tích tim tường sẽ được người bán ghi rõ trong hợp đồng. Tuy nhiên có một số người khi mua nhà vẫn muốn chắc chắn và đo đạc lại kích thước sao cho hợp lý nhất. Khi nhận bàn giao nhà và chủ động đo diện tích, khách hàng cần dựa vào biên bản bàn giao và hồ sơ kỹ thuật cũng như bản vẽ mặt bằng để đo cho chính xác nhất.
Có thể tập trung đo kích thước tổng thể, chiều rộng, dài của các gian phòng nếu như không có thời gian kiểm tra hết các kích thước căn hộ. Nếu sai lệch nhiều cần kiểm tra lại để tính diện tích cho đúng, tránh bị thiệt khi mua.